Sốt xuất huyết và cách xử lý hiệu quả cho người bị sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết nằm trong danh sách những bệnh truyền nhiễm phổ biến, xảy ra theo mùa và gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Vậy nên các gia đình cần nắm vững nguyên nhân, triệu chứng sốt xuất huyết để tránh bệnh diễn biến phức tạp.
1. Sốt xuất huyết là gì?
- Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp.
- Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.
2. Nguyên nhân của bệnh sốt xuất huyết
- Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết là do một loại virus có thể lây lan khi bị muỗi cắn. Có bốn loại virus sốt xuất huyết, được gọi là virus DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Loài muỗi truyền bệnh có tên là Aedes aegypti hoặc muỗi Aedes albopictus, chúng có thể đưa virus gây bệnh vào máu của bệnh nhân bằng cách chích người bệnh.
- Muỗi Aedes aegypti hoạt động ban ngày, đặc biệt chỉ có muỗi cái mới có thể chích người và truyền bệnh. Virus sốt xuất huyết sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Khi bạn bị muỗi chích, virus sẽ tuần hoàn trong máu từ 2 đến 7 ngày. Trong khoảng thời gian này, nếu bạn bị muỗi Aedes hút máu thì virus được truyền cho muỗi.
- Một khi bạn đã phục hồi, cơ thể bạn sẽ miễn dịch chống lại bệnh, tuy nhiên bạn chỉ có thể kháng lại loại virus đã gây ra bệnh thôi. Trong khi đó lại có 4 chủng virus khác nhau, có nghĩa là bạn vẫn có khả năng bị nhiễm lại bởi chủng virus khác. Điều quan trọng là bạn phải xác định được các dấu hiệu và có phương chữa trị kịp thời.
3. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
- Sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ)
Những người lần đầu tiên mắc bệnh bị loại này vì họ chưa có miễn dịch với bệnh. Đây là dạng có biểu hiện các triệu chứng điển hình và không có biến chứng. Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt và sẽ kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như:
+ Sốt cao, lên đến 40,5 độ C
+ Nhức đầu nghiêm trọng
+ Đau phía sau mắt
+ Đau khớp và cơ
+ Buồn nôn và ói mửa
+ Phát ban.
Sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1-2 ngày. Bạn có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.
Sốt cao khi bị sốt xuất huyết
- Sốt xuất huyết có máu chảy
Các dấu hiệu sốt xuất huyết dạng này bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ kèm theo tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Thể bệnh này có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh nhân chảy máu cam khi bị sốt xuất huyết
- Triệu chứng sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue)
Thể bệnh này là dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết – bao gồm tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).
Loại này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi bạn đã có miễn dịch chủ động (do đã từng mắc bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại kháng nguyên virus. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Dạng này của bệnh thường xảy ra ở trẻ em (đôi khi ở người lớn). Dạng bệnh này có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
- Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em
Trẻ em khi mắc bệnh sốt xuất huyết từ 3 ngày sẽ có những dấu hiệu sốt cao, khiến bố mẹ thường nhầm là cảm cúm hay nhiễm khuẩn đường hô hấp.
4. Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết
- Người bệnh đột ngột sốt cao, mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (như đau thắt lưng, đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. Đến ngày thứ 2 – 5 của bệnh, người bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột cũng là lúc đang ở giai đoạn hạ sốt.
- Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Bắt đầu từ ngày thứ 3 – 8 có dấu hiệu hạ sốt, nhưng thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt, trẻ thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.
- Người bệnh được xác định mắc sốt xuất huyết dengue khi kết quả xét nghiệm ghi nhận xảy ra tình trạng giảm tiểu cầu, máu cô đặc. Các biểu hiện xuất huyết thường gặp trong sốt xuất huyết dengue gồm xuất huyết dưới da tự phát hoặc sau tiêm chích, chảy máu chân răng, chảy máu mũi và xuất huyết tiêu hóa. Lá lách thường không lớn. Nếu gan lớn và đau thì đây là những dấu hiệu bệnh nặng. Các biểu hiện khác có thể gồm tràn dịch màng phổi, giảm protein máu, bệnh lý não với dịch não tủy bình thường.
Dấu hiệu khi bị sốt xuất huyết
5. Chăm sóc người bị sốt xuất huyết
* Với bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhẹ
- Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà trong trường hợp nhẹ bao gồm:
+ Cho người bệnh nghỉ ngơi, thư giãn tại giường.
+ Tăng cường uống sữa, nước trái cây, nước cơm và các dung dịch điện giải đẳng trương (Oresol).
+ Uống paracetamol để hạ sốt. Liều lượng uống theo hướng dẫn sử dụng, thường là 4gr/ngày đối với người lớn. Còn với trẻ em sẽ tính theo cân nặng của bé.
+ Chườm ấm.
- Lưu ý: người bệnh không được sử dụng các loại thuốc steroid, các chất chống viêm không steroid, acid acetylsalicylic (aspirin), mefenamic acid (ponstan), ibuprofen,… Nếu chẳng may đã uống, cần đến gặp bác sĩ.
- Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng rất quan trọng với người bệnh. Tùy vào diễn biến bệnh mà cung cấp chế độ ăn uống phù hợp, nhưng phải đảm bảo:
+ Tăng lượng protein, nhất là những protein có giá trị sinh học cao từ thịt, cá, trứng, sữa,…
+ Tăng tỷ lệ đường đơn, đường đôi (có trong sữa, nước trái cây) và lipid thực vật để cung cấp năng lượng cho cơ thể người bệnh vì lúc này cơ thể người bệnh đang suy nhược, mệt mỏi, rất cần năng lượng để hoạt động.
+ Không ăn quá nhiều trong một bữa mà hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Điều này vừa tránh gây cảm giác khó chịu khi ăn, vừa tốt cho tiêu hóa của người bệnh. Theo đó, người lớn có thể ăn 4 - 6 bữa/ngày, còn trẻ em thì chia nhiều hơn, khoảng 6 - 8 bữa/ngày.
+ Ưu tiên cho những món ăn lỏng, mềm, dễ nuốt như mì, cháo, súp,…
* Với bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng
- Quá trình chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà, bạn cần theo dõi sát sao các biểu hiện của người bệnh để nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường khác. Khi đã áp dụng các cách chăm sóc trên nhưng nếu người bệnh có những triệu chứng nặng, nghi bị xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo hoặc xuất huyết Dengue nặng thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
- Đặc biệt với trẻ em, nếu bé bắt đầu bị chảy máu cam, đi ngoài ra máu, nôn ói liên tục, đau bụng dữ dội, rối loạn ý thức, lơ mơ, co giật, tím tái người, khó thở,… thì gấp rút đưa đến phòng khám, bệnh viện gần nhất để được điều trị, tránh các trường hợp xấu xảy ra.
- Tóm lại, sốt xuất huyết được đánh giá là bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng khôn lường. Do đó, song song với việc áp dụng các cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà như đã hướng dẫn, nên đưa người bệnh đi tái khám theo đúng lịch trình của bác sĩ. Đặc biệt, khi xuất hiện các triệu chứng nặng, cần lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được các bác sĩ theo dõi và điều trị tích cực.
Xuất huyết Dengue
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh sốt xuất huyết cũng như trang bị thêm cho mình kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc người bệnh tại nhà đúng cách, hiệu quả.