Sốt xuất huyết có bị lại không? Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết

     Tỷ lệ người bị sốt xuất huyết ở nước ta càng ngày càng tăng, bệnh dễ bùng phát thành dịch, diễn tiến khó lường. Điều đáng nói là không phải ai cũng hiểu đúng về căn bệnh này nên mới gây nên những biến chứng nguy hại. Sốt xuất huyết có bị lại hay không cũng là vấn đề ít người biết được câu trả lời.

>> Xem thêm: Sốt xuất huyết và cách xử lý hiệu quả cho người bị sốt xuất huyết

1. Vì sao bị sốt xuất huyết?

     Trước đến nay nhiều người vẫn nghĩ muỗi vằn chính là tác nhân gây sốt xuất huyết nhưng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, bản thân muỗi vằn không mang mầm bệnh mà nó chỉ là vật chủ trung gian đi truyền bệnh mà thôi.

    Có 4 chủng virus sốt xuất huyết khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Có 2 loài muỗi truyền virus này được biết đến nhiều nhất là Aedes aegypti và muỗi Aedes albopictus. Thông qua vết đốt trên da, chúng truyền virus sốt xuất huyết vào cơ thể người lành. Muỗi Aedes không mang mầm bệnh, chúng là trung gian lây truyền virus sốt xuất huyết.

    Quá trình muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cho người diễn ra như sau:

+ Muỗi vằn cái đốt và hút máu người nhiễm virus Dengue.

+ Virus Dengue tồn tại trong cơ thể muỗi khoảng 8 - 11 ngày sau đó khi muỗi vằn cái đốt người lành chúng sẽ lây cho họ thông qua vết đốt.

Ảnh minh họa

2. Sốt xuất huyết có bị lại không?

     Như đã nói ở trên, có tới 4 chủng virus sốt xuất huyết khác nhau. Mỗi lần bị sốt xuất huyết thì người bệnh chỉ bị 1 trong 4 chủng này tấn công mà thôi. Khi đã bị thì sau khi khỏi sốt xuất huyết, cơ thể người bệnh sẽ tự sản sinh ra kháng thể để chống lại virus gây bệnh. Liệu như thế thì sốt xuất huyết có bị lại không khi đã từng mắc bệnh này rồi?

    Khác với các bệnh khác, mỗi lần bị bệnh là do 1 chủng virus khác nhau, cơ thể tuy có cơ chế sinh kháng thể chống lại virus gây bệnh nhưng chỉ là miễn dịch với 1 loại đã từng bị còn vẫn có nguy cơ mắc các chủng virus sốt xuất huyết còn lại. Vì thế, khả năng tái nhiễm sốt xuất huyết là hoàn toàn bình thường. Điều đó có nghĩa là mỗi người đều có thể bị sốt xuất huyết tới 4 lần trong đời vì chúng có 4 chủng virus gây bệnh.

     Mặc dù thực tế có rất ít người bị sốt xuất huyết tới 4 lần nhưng những lần mắc bệnh sau thường sẽ nặng hơn lần trước, người bệnh có nguy cơ bị trụy mạch, choáng, tăng đông máu, tăng xuất huyết thành mạch,... Đây chính là lý do khiến người bị sốt xuất huyết từ lần thứ 2 trở đi càng không được phép chủ quan mà cần sớm đến bệnh viện theo dõi để được điều trị kịp thời.

3. Các giai đoạn của sốt xuất huyết

     Biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết khá đa dạng, có thể từ nhẹ cho đến nặng. Bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân nếu không có phương pháp điều trị kịp thời.

     Các giai đoạn sốt xuất huyết bao gồm:

     Giai đoạn sốt: diễn ra trong khoảng 3 ngày đầu theo các triệu chứng sau:

+ Người bệnh đột nhiên bị sốt cao, có khi lên tới 39 - 40 độ C.

+ Có thể bị buồn nôn, nôn mửa, chán ăn.

+ Đau nhức đầu, hốc mắt, các khớp, mỏi cơ, uể oải, có thể có hiện tượng viêm long đường hô hấp trên.

+ Có khả năng xuất hiện các nốt xuất huyết ở dưới da.

     Giai đoạn nguy hiểm: giai đoạn này xảy ra ở ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Bệnh nhân có xu hướng giảm sốt hoặc hết sốt và rất nhiều người hiểu nhầm rằng bệnh đã thuyên giảm. Tuy nhiên, trong các giai đoạn sốt xuất huyết thì đây là lúc bệnh mới bắt đầu thể hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Ở trường hợp sốt xuất huyết điển hình, bệnh nhân có thể sẽ xuất hiện một số biểu hiện như sau:

+ Các vết phát ban nổi dần, nhiều lên từ nhẹ tới nặng, cảm thấy ngứa ngáy.

+ Chảy máu cam, hoặc chảy máu lợi, phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh.

+ Xuất huyết đường tiêu hóa: đi ngoài phân lẫn máu hoặc phân đen, nôn mửa ra máu tươi hoặc cục máu đông.

+ Xuất huyết trong ổ bụng hoặc xuất huyết não gây nguy hiểm tới tính mạng.

+Hạ huyết áp do thiếu nước, không bù đủ dịch, giảm khối lượng tuần hoàn dẫn tới sốc.

+Các biểu hiện khác: li bì hoặc kích thích, vật vã, đau bụng, nôn nhiều, tiểu ít, đầu đau dữ dội,...

     Các triệu chứng trên là những triệu chứng có thể gặp ở các trường hợp sốt xuất huyết điển hình. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân không có các triệu chứng trên mà có thể tự khỏi hoặc là bệnh diễn biến âm thầm rồi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm một cách đột ngột.

     Giai đoạn hồi phục: Người bệnh đã khỏi sốt được 48 giờ trở lên, cơ thể đã đỡ mệt, tiểu tiện nhiều, thèm ăn, tiểu cầu tăng. Với những biểu hiện của các giai đoạn sốt xuất huyết nêu trên có thể nói đây là căn bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh và đa dạng về triệu chứng. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu nên tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do sốt xuất huyết mỗi năm vẫn ở mức cao. Khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người bệnh không nên lơ là mà phải theo dõi và đi thăm khám càng sớm càng tốt để tránh gặp phải các biến chứng nặng.

>> Xem thêm: Bị sốt xuất huyết kiêng ăn gì?